Tỏi đen xuất hiện tại Nhật Bản từ năm 2005. Công dụng của tỏi đen được biết đến là phòng và chữa nhiều loại bệnh, nổi bật là đặc tính chống ôxy hoá, lão hoá, phòng chống bệnh ung thư, các bệnh nan y…
Ở Việt Nam, dù mới được sản xuất thành công nhưng tỏi đen đã ngày càng được nhiều người ưa thích.
Theo TS. Vũ Bình Dương – Học viện Quân Y, tỏi thông thường là một trong những gia vị ở các bữa ăn hàng ngày. Đồng thời tỏi cũng được coi như một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh như rối loạn chuyển hóa, viêm khớp, tiểu đường, cảm lạnh, sốt rét, lao, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu… Song nhược điểm của tỏi thường có mùi rất khó chịu do các hợp chất sulfur gây ra.
Tỏi đen là sản phẩm được tạo ra sau quá trình lên men có các tác dụng sinh học hơn hẳn so với tỏi thông thường. Chúng vừa khắc phục được mùi khó chịu của tỏi thông thường vừa làm tăng tác dụng chống oxy hóa của tỏi lên gấp nhiều lần. Tỏi đen có vị ngọt giống như các loại trái cây, chỉ cần bóc lớp vỏ ngoài là có thể ăn được và có thời gian bảo quản được lâu.
So với tỏi thông thường, tỏi đen rất giàu các chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể và giúp cải thiện hoạt động chức năng. Hàm lượng các vitamin trong tỏi đen tăng gấp 2 lần so với tỏi tươi. Tỏi đen có tác dụng như vị thuốc đặc trị chống ôxy hoá cao gấp 5 – 6 lần so với tỏi trắng. Nó hỗ trợ phòng chống ức chế tế bào ung thư.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, khi lên men, những nhóm hợp chất có trong tỏi đen tăng rất nhiều, ở đó hàm lượng đường tăng khoảng 13 lần, fructose đến 52 lần. Đặc biệt, sallyllcystein là chất đã được chứng minh có công dụng mạnh của tỏi đen đã tăng 6 lần so với tỏi thông thường.
Tỏi đen được sử dụng cho rất nhiều đối tượng, đặc biệt cho những người già yếu hoặc những người có khả năng miễn dịch yếu, nguy cơ mắc các bệnh về gan, ung thư… góp phần tăng cường khả năng miễn dịch. Được biết, ở nước ta các nhà khoa học của Học viện Quân Y là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công quy trình lên men cũng như thành phần hóa học và tác dụng sinh học của tỏi đen được tạo ra trong đề tài cấp nhà nước.
Để sản xuất được tỏi đen, người ta phải cho lên men tỏi tươi thông qua một lò sấy điện liên tục trong 35-45 giờ. Tỏi sau khi sấy được ủ khoảng 45 ngày để vỏ biến màu ngà, tép bên trong chuyển màu đen, dẻo, có vị ngọt dịu, không còn mùi cay hăng của tỏi thường. Thông thường, mỗi kg tỏi tươi có thể cho ra khoảng 400g – 500g tỏi đen thành phẩm.
Hiện nay trên thế giới, tỏi đen đã được sử dụng khá phổ biến không chỉ làm thức ăn mà còn làm thuốc chống ôxy hoá, tăng cường miễn dịch. Ngoài dạng củ, các chế phẩm khác từ tỏi đen như nước giải khát tỏi đen đóng chai, cao tỏi đen, viên nang mềm tỏi đen… đã và đang lưu hành rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Chúng được ưa chuộng vì hương vị dễ chịu đồng thời có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, cải thiện xơ vữa động mạch, cao huyết áp, cải thiện chức năng hệ tiêu hoá và đường ruột, phòng chống bệnh ung thư…
(Theo Kiến thức.net)